Vào ngày chủ nhật hàng tháng, du khách đến chợ phiên Hà Lâu lại được mãn nhãn xem những trận đấu bóng giao hữu giữa chị em người dân tộc Sán Chỉ với chị em các dân tộc khác trên địa bàn.
Sáng ngày 27/8 vừa qua, tại Sân vận động xã Hà Lâu, một trận bóng đá giao hữu đặc sắc đã diễn ra giữa đội nữ người Sán Chỉ và đội nữ người Dao Thanh Y. Điều độc đáo là tất cả thành viên của hai đội mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để tham gia thi đấu. Hình ảnh của các cầu thủ trong bộ trang phục truyền thống Sán Chỉ và Dao Thanh Y đã tạo nên một khung cảnh rất đặc biệt.
Không luật lệ rườm rà, đội trưởng 2 đội dùng hình thức “oẳn tù tì” để chia sân, nhận bóng dưới sự chứng kiến của trọng tài. Trọng tài “bất đắt dĩ” của trận giao hữu là ông Phạm Văn Quảng – cán bộ địa chính của UBND xã Hà Lâu. Trọng tài Quảng cho biết, thành viên của 2 đội đến từ rất nhiều ngành nghề trong đó có cả người làm nông nghiệp, người làm giáo viên. Số cầu thủ nắm được luật chơi của bóng đá rất ít. Chính vì vậy, xảy ra không ít pha chanh chấp bóng giữa chính các thành viên trong đội khiến khán giả cười ra nước mắt. Các cầu thủ nghiệp dư ngày thường chỉ quen "gõ đầu trẻ", đi rừng, làm nương, nay xỏ giày đá bóng cũng không kém phần chuyên nghiệp, rê dắt, bứt tốc, sút xa...
Những màn chanh chấp bóng quyết liệt không hề thua kém trận cầu của các “đấng mày râu”. Với tư cách chủ nhà, đội Sán Chỉ có phần lớn thành viên là giáo viên trường Mầm non Hà Lâu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Quyền chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết, trên địa bàn xã có 70% là người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. Để tổ chức những buổi chợ phiên và giao lưu bóng đã như này, địa phương phải huy động tất cả lực lượng cán bộ, công chức ở xã tham gia hỗ trợ. Ông Tùng cũng cho biết: “Những ngày đầu, để huy động chị em thành lập được một đội bóng rất khó. Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên xã cũng phải chung tay vận động. Tới đây xã Hà Lâu chúng tôi hướng tới sẽ thành lập được mỗi thôn một đội bóng”.
Chị Trần Thị Hương - giáo viên Trường mầm non Hà Lâu là người gốc huyện Bình Liêu (nơi có phong trào bóng đá của chị em phát triển rất mạnh) cho biết: “Đội bóng chúng tôi chẳng có nhiều thời gian để luyện tập vì ai cũng bận rộn với công việc hàng ngày, giờ vào sân cứ thấy bóng là lao vào đá, không đúng luật nhưng mà vui”.
Không chỉ thu hút du khách tới tham dự, phần thi đấu giao lưu bóng đá của chị em các dân tộc còn hấp dẫn cả với những người dân tại Hà Lâu tới cổ vũ cho đội nhà. Đây không chỉ là những trận đấu thể thao bình thường mà còn là một cơ hội để những người dân tộc khác nhau có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và cùng nhau chia sẻ niềm đam mê bóng đá.
Nguồn báo: https://vov.vn/the-thao/ve-cho-phien-ha-lau-xem-chi-em-san-chi-mac-vay-da-bong-post1042019.vov
Tin vui khác